Tôi không biết gì về mẹ, về những ngày tuổi trẻ của mẹ, sở thích và mơ ước của mẹ. Tôi vẫn nghĩ rằng mẹ không quan tâm về những điều như thế, một bức tranh nổi tiếng, một cuốn sách kinh điển, hay một bài hát cũ. Tôi hay trò chuyện với bố về những điều này, một cách rất tự nhiên.
Từ lúc nhỏ tới khi lớn, dù biết mẹ là người luôn biết cách khéo léo thu vén mọi việc trong nhà, nhưng trong mắt tôi, mẹ là một bà mẹ nội trợ: Tôi sẽ hỏi mẹ về một công thức nấu ăn, việc làm thế nào để cọ chiếc nồi bị cháy, vết rách trên áo này thì phải khâu sao cho khéo. Tôi không hỏi mẹ về đề tài bài luận môn Lịch sử Nghệ thuật tôi phải nộp tuần này, hay kể với mẹ về vở kịch mà tôi mới đi xem tối qua.
Mỗi khi tôi gọi điện về nhà, những câu hỏi của mẹ cũng chỉ xoay quanh việc tôi ăn gì, có nấu cơm nhà không, có đủ áo ấm không, còn thuốc cảm dự trữ không? Không phải là mẹ không quan tâm tới điểm số, việc phỏng vấn xin việc, hay quan hệ với đồng nghiệp của tôi, tôi nghĩ đơn giản mẹ chỉ mong tôi được khỏe mạnh, vui vẻ, còn việc đạt được thành tích này nọ, làm ở công ty nhỏ hay lớn, lương cao, được thăng chức, có thì tốt, không có cũng không sao.
Đến cả sinh nhật thật sự của mẹ, mãi tới mấy năm trước chúng tôi mới biết: Trước kia mẹ vẫn nói sinh nhật mẹ là mùng 5 tháng Năm, nhưng hóa ra đó là ngày âm (thời trước ông bà chúng ta vẫn thường ghi nhớ ngày tháng theo lịch âm), chúng tôi tra lại lịch trên mạng mới biết đó là ngày 24 tháng Sáu, chỉ sau sinh nhật tôi hai ngày.
Đến cả những đứa con của mình cũng nghĩ về mình như một người nội trợ, tôi không biết mẹ phải cảm thấy như thế nào?
Tôi bắt đầu trò chuyện với mẹ nhiều hơn, về những chủ đề mà chúng tôi chưa bao giờ nói đến. Tôi để ý hơn mỗi khi đi ra ngoài với mẹ, thường vờ như hỏi mẹ bâng quơ vài câu về những điều riêng tư lúc đi chợ, đi làm đầu hay đi mua quần áo. Tôi ghi lại tất cả vào một cái note trong điện thoại: cỡ giày của mẹ, màu sắc mẹ thích, loài hoa mẹ thường hay cắm trong phòng, độ viễn của kính mẹ đeo, màu tóc nhuộm của mẹ là màu nâu số mấy, tất cả. Tôi sợ sẽ đến một ngày, khi mẹ không còn ở đây nữa, những câu chuyện của mẹ cũng sẽ theo mẹ mà biến mất khỏi thế giới tôi đang sống, và sau này khi có con, tôi không biết phải kể gì về bà ngoại cho chúng nghe.
Ngày nhỏ, tôi vẫn thường thích thú mỗi khi được ai đó khen giống bố, vì giống bố nghĩa là thông minh, học giỏi. Giờ thì tôi muốn được nhìn thấy vẻ mãn nguyện và nụ cười của mẹ khi ai đó nói tôi giống mẹ, mặc dù tôi biết, phần lớn trong số họ chỉ có ý xã giao, vì thực sự bề ngoài mấy chị em tôi nhìn y như bố. Chỉ có mình tôi biết, tôi có bàn chân to và thô, với ngón trỏ dài hơn ngón cái, giống hệt bàn chân mẹ.
+++++
Ta cứ mải miết sống và nghĩ về mẹ chỉ là “mẹ của mình” hay “vợ của bố”, “con của ông bà” mà không nghĩ rằng mẹ cũng đã từng son trẻ, mẹ có ước mơ và khao khát riêng. Và kể cả khi những ước mơ đó bị trách nhiệm làm cho mờ nhòe thì mẹ cũng có những màu sắc khác trong đời sống của riêng mình. Những màu sắc mà đứa con vô tâm - vô tư vô tình không bao giờ chạm tới, ve vuốt lấy một lần.
Bỗng muốn gọi cho mẹ, không phải như cách mà tôi vẫn gọi như một đứa con bé bỏng, mà còn nhiều hơn cả thế…
Sách: Những tọa độ song song | Nguyễn Mai Chi
(WTB)
Kế toán VAFT
HN : 0983131808
HCM: 0931444876/0909027266
www vaft edu vn
Học kế toán tại V A F T - Học 1 biết 10 - Kế toán trưởng nè - Kế toán thuế nè - Kế toán xây lắp nè ...